Wednesday, February 23, 2011

Ngày Cuối Cùng Của Sư Ðoàn 5

Ngày Tàn Binh Nghiệp Của Tôi Hay Là Ngày Cuối Cùng Của Sư Ðoàn 5


Lời nói đầu.
Ngày tàn chiến cuộc Việt Nam cũng là ngày tạm ngưng hoạt động của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sau hơn 24 năm thành lập (Tôi nói tạm ngưng vì Quốc Gia chúng ta còn, chúng ta sẽ còn Quân Lực Quốc Gia). Ngày tàn binh nghiệp của chúng ta đã có những tướng lãnh tuẩn tiết hi sinh thân mình nêu danh hậu thế. Các vị này, đã tượng trưng tinh hoa, anh hùng tính dân tộc của chúng ta, xứng đáng được dựng bia để con cháu ngày sau tôn thờ. Các vị này thà tự giải quyết sinh mạng của mình chứ không muốn rơi vào tay giặc cũng như không muốn phí sinh mạng binh sỉ thuộc cấp một cách vô ich. Các vị anh hùng đó từ vị Tư Lệnh Quân Ðoàn IV,Trung Tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu Tướng Lê Văn Hưng Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn IV,Thiếu Tướng Nguyễn Văn Phú cựu Tư Lệnh Quân ÐoànII/V2CT,Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hai Tư Lệnh Sư Ðoàn 7 Bộ Binh và cuối cùng là vị Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh đáng kính yêu của tôi, cố Thiếu Tướng Lê Nguyên Vỹ.
Các vị nầy nếu ra lệnh cho thuộc cấp tiếp tục chiến đấu thì chắc chắn tất cả sẽ tuân lệnh nhưng cũng chỉ tổn thất thêm sinh mạng một cách vô ích. Thiếu Tướng Hưng cũng từng là người hùng của trận An Lộc khi chỉ huy Sư Ðoàn 5 Bộ Binh năm 1972 người đã làm rạng danh Khóa 5 Vì Dân Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức của chúng tôi.
Có nhiều bạn bè tôi khi đi tù hàng chục năm về hơi khó tính từng nói là họ không tôn trọng và không xem các tướng lãnh rời miền Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, trước khi miền Nam thất thủ, là các cấp chỉ huy của họ. Tôi thì thông cảm tình cảnh quí vị này nhất là những vị rời miền Nam ngay sau khi Dương Văn Minh đầu hàng. Một điều tôi và đa số bạn hữu đều công nhận là nhờ có những người thoát ra nước ngoài năm 1975 và hoạt động tranh đấu với quốc tế, với Hoa Kỳ và cả Cộng Sản Việt Nam nên “Chương Trình Ra Ði Có Trật Tự”(ODP) mới được thành hình và chúng tôi dân H.O mới sang được đất hứa.
Vì có những vị bỏ đi nên những người vĩnh viễn ở lại trong lòng quê hương, đã dùng những giọt máu đào của mình rải thắm đất mẹ rất xứng đáng được tôn vinh. Do đó chúng ta chỉ xếp hạng các người “hùng” và không “hùng” thôi. Chúng tôi chỉ xin quý vị sang trước đây, đã có một thời gian dài ổn định, con cái nên người, thành những người dân địa phương chánh gốc nếu không thể cưu mang các cựu chiến hữu của mình vì lý do nào đó đã ở lại miền Nam sau 30 tháng 4 năm 75,(có người đã chết trong các ngục tù Cộng Sản) bị đối xử tàn bạo trong các ngục tù cộng sản mới sang đây thiếu thốn mọi bề, thì cũng đừng tuyên bố những câu đau lòng về những người tuẩn tiết và chúng tôi là những “tên ngu dại không biết thời cơ.” Thế thôi! Nhân danh là một người tù cải tạo 10 năm và mới sang đây tôi cũng xin cám ơn quý vị đó một lần.
Ðã có nhiều người viết về ngày cuối cùng của Ngũ Hổ Tướng (Các tướng Nam, Phú, Hưng, Hai, Vỹ) đặc biệt về tướng Vỹ trong số KBC Ðặc Biệt vừa qua, nhưng còn nhiều chi tiết còn thiếu vì tác giả nghe người khác kể lại.
Hỏm nay tôi xin bổ túc về cái chết oanh liệt của cố Thiếu Tướng Lê Nguyên Vỹ vì chính tôi và một số sĩ quan cao cấp đơn vị trưởng của sư đoàn đã ở gần cố Thiếu Tướng Lê nguyên Vỹ trong những giây phút cuối cùng.
Cuối tháng 9 năm 1974 tôi được thuyên chuyển từ Thiết Ðoàn 8 Kỵ Binh thuộc Sư Ðoàn 23 Bộ Binh(đồn trú tại Ban Mê Thuột nhưng đang hành quân ở Vùng Pleiku KonTum), về chỉ huy Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh sau hơn 9 năm rời khỏi đơn vị nầy lúc đó là tôi là Ðại Úy Chi Ðoàn Trưởng Chi Ðoàn 3/1 Thiết Quân Vận.
Vì bất bình vị Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh khi vừa xuống trực thăng trong vùng hành quân Pleime (Pleiku) đã “xài xễ” tôi trước mặt các Sỉ Quan thuộc cấp và tăng phái do một lý do tôi không thể nào kiểm soát nổi hoặc chỉ huy được là Thiết Vận Xa bị mìn khi đơn vị được lệnh tiến nhanh, nên dò mìn không kỹ, tôi bỏ vào Bộ Chỉ Huy Hành Quân của tôi và đề nghị Chuẩn Tướng Lê Trung Tường Tư Lệnh tìm người khác thay thế tôi. Vị này đùng đùng bỏ về và bảo Ðại Tá Nguyễn Văn Ðồng Tư Lệnh Lữ Ðoàn II Kỵ Binh bổ nhiệm Thiếu Tá Nguyễn Văn Ðêm Thiết Ðoàn Phó Thiết Ðoàn 21 Chiến Xa M48 thay thế tôi và đặt tôi dưới quyền xử dụng của Lữ Ðoàn II Kỵ Binh dù tôi là quân số của Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp (nguyên Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị BCH/TGB QLVNCH) trở lại chức vụ cũ của tôi vào tháng 4 năm 1974 là Thiết Ðoàn Trưởng Thiết Ðoàn 8 Kỵ Binh, đơn vị tôi phải rời bỏ cuối tháng 10 năm 1972 vì bị trọng thương.
Thiếu Tá Ðêm đã bị VC bắt làm tù binh khi chúng tấn công Ban Mê Thuột vào trung tuần tháng 3 năm 1975 và đã ở tù 7 năm. Chính ra, nếu sư đoàn không dùng tôi thì phải trả tôi lại đơn vị gốc nhưng Chuẩn Tướng Tường muốn giữ tôi lại “ngồi chơi xơi nước” tại Lữ Ðoàn II Kỵ Binh cho Ðại Tá Ðồng “trù” tôi. Nhưng nhờ có Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá Chỉ Huy Trưởng Thiết Giáp Binh can thiệp và được Trung Tướng Nguyễn văn Toàn Tư Lệnh Quân Ðoàn II chỉ thị xuống, tướng Tường mới thả tôi đi về chỉ huy Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh khi Việt Cộng còn đang chiếm Căn Cứ Rạch Bắp thuộc Quận Bến Cát và Trung Tá Nguyễn văn Tá (Khóa 11 phụ VBQG Ðàlat) đã hy sinh ngày 5 tháng 9 năm 1974.
Khi được cho biết về chỉ huy Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh (một đơn vị “nát nhất” trong các Thiết Ðoàn Kỵ Binh) tôi muốn từ chối (Tôi được xếp Loại 2 sau khi bị thương nặng ngày 31 Tháng 10 năm 1972 tại Pleiku, do đó tôi có thể không đảm nhận chức vụ chỉ huy các đơn vị chiến đấu nếu tôi không thích ) vì khi tôi rời khỏi Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh năm 1965 lúc đó Ðại Tá Phạm Quốc Thuần là Tư Lệnh Sư Ðoàn, hiện lúc đó là Trung Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn III, Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ đương kim Tu Lệnh Sư Ðoàn thì năm đó là Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 9 Bộ Binh, Ðại Tá Ðào Ðức Chinh (hiện định cư tại Virginia) hiện là Tham Mưu Trưởng Sư Ðoàn thì trước kia là Trưởng Phòng Ba Sư Ðoàn đều biết tánh ba gai của tôi năm 1965 và có vẻ không thích tôi!? Nhưng Chuẩn Tướng Bá cho biết là tướng Thuần nói trước kia tôi không có lỗi gì cả‚ và đồng ý cho tôi về Sư Ðoàn 5 Bộ Binh. Chuẩn Tướng Bá Chỉ Huy Trưởng Thiết Giáp Binh còn khuyến khích tôi nói là tôi về chấn chỉnh lại Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh vì “nó” quá nát rồi nhất là sau cái chết của Trung Tá Nguyễn Văn Tá Thiết Ðoàn Trưởng.
Các vị trong quân đội nếu không biết rõ Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh “nát” như thế nào thì chỉ nghe tôi kể sơ sơ đây cũng đủ ớn lạnh rồi! Không kể tiểu sử trước năm 1972 của Thiết Ðoàn, nhưng kể từ đầu năm 1972 khi Trung Tá Tỏn Thất Hoàng (Khóa 14 VBLQ Ðàlat) rời chức vụ chỉ huy thiết đoàn đến tháng 9 năm 1974 tôi là vị Thiết Ðoàn Trưởng thứ sáu trong vòng chỉ hơn hai năm! Trong thời gian này một Thiết Ðoàn Trưởng Trung Tá Nguyền Ðức Dương (khóa 11 phụ VBQG Ðalạt) bị đơn vị chiến xa CSBV bắt cùng cả bộ chỉ huy Thiết đoàn làm tù binh tại mặt trận Lộc Ninh (Bình Long) vào tháng 3/72(?), được trao trả 13 tháng sau nhờ Hiệp Ðịnh Ba Lê; Thiếu Tá Bùi Thường, khóa 5 SQTB Thủ Ðức cùng khóa 5 SQTBTÐ với tôi chỉnh trang đơn vị lại vài tháng, Trung Tá Nguyễn Mạnh Lâm cũng khóa 5 SQTBTÐ chỉ huy vài tháng rồi cũng đi, Trung Tá Nguyễn Ðức Dương sau khi được trao trả‚ trở lại đơn vị cũ vài tháng rồi đi vì Cục An Ninh Quân Ðội không đồng ý, kế đến Trung Tá Nguyễn Văn Tá từ Vùng 1 CT thuyên chuyển vào chỉ huy chỉ hơn 3 tháng là tử trận.
Thiết Ðoàn này cũng có nhiều thành tích rất đặc biệt là đã từng nuỏi dưỡng cả một ổ nội tuyến mà không hay. Tháng 4 năm 1965, khi tôi bị đổi đi khỏi Thiết Ðoàn thì Việt Cộng nội tuyến trong đêm 22 rạng 23 tháng 4 lấy đi 2 chiến xa M41, một chiếc chạy về bỏ tại ngã tư Bình Hòa (Gia Ðịnh) khi chúng định dùng chiến xa này tấn công phi trường Tân Sơn Nhất, còn một chiếc chúng đem lên chiến khu của chúng vùng Tây Bắc tỉnh Tây Ninh để nghiên cứu hành quân chống Thiết Giáp.
Trong trận nội tuyến này Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh đã tổn thất vừa chết, vừa bị thương gần 70 quân nhân các cấp trong đó có 1 Sĩ quan trực đơn vị. Ðau đớn nhất là toàn thể các hạ sĩ quan chi đội phó các chi đội của Chi Ðoàn 3/1 TQV (đang tập họp điểm danh tối) những người đã giúp tôi rất đắc lực trong trận Chiến Thắng tại Ấp 13bis Xã Ðinh Thọ Quận Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương (đêm 22 tháng 11 năm 1965),vì thời gian đó các sĩ quan chi đội trưởng hầu hết mới ra trường và chưa hề đụng trận, đã hy sinh. (Chi Ðoàn 3/1 TQV đã được hấp lại sau hai trận Bình Giã, một Tháng Mười Một và một Tháng Mười Hai năm 1964.
Trận đầu, Ðại Úy Nguyễn Hữu Trung Ngọc (Khóa 14 Trường VBQG Ðà Lạt) Chi Ðoàn Trưởng tử trận, trận sau Ðại Úy Võ Văn Bẩm (Khóa 7 VBLQ Ðalat) bị trọng thương. Trong trận đầu, Chi Ðoàn 3/1 TQV tăng phái Chiến Ðoàn 5 Chiến Xa dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Nguyễn Thành Lý (khóa 4 SQTBTÐ), Ðại Tá Lâm Quang Thơ Chỉ Huy Trưởng TGB/Chiến Ðoàn Trưởng đã ở hậu cứ. Thiếu Tá Nguyễn Thành Lý cùng Trung Úy Nguyễn Văn Bảy (Khóa 5 SQTBTÐ) Chi Ðoàn Phó Chi Ðoàn 2/5 Chiến Xa cũng đã hy sinh. Rất nhiều quân nhân các cấp thuộc thiết giáp đã hi sinh trong hai trận này khi bọn VC bắt đầu triển khai giai đoạn trận địa chiến của chúng (Thời gian này tôi đang theo học.khóa 2 Sĩ Quan Cao Cấp Thiết Giáp (niên khóa 1964-1965) tại Trường Thiết Giáp Fort Knox Kentucky Hoa Kỳ. Tin tức trên do một anh bạn tại BCH/TG viết cho tôi hay.
Xin cho phép tôi khỏi nêu tên các vị chỉ huy các đơn vị này từ Thiết Ðoàn Trưởng, Thiết Ðoàn Phó, hai Chi Ðoàn Trưởng Chi Ðoàn 1/1 CX và 3/1 TQV chỉ biết rằng Trung Tá Lý Tòng Bá cựu Thiết Ðoàn Trưởng đã rời đơn vị đảm nhận chức vụ Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Dương và Thiếu Tá Nguyễn Xuân Hường đã bị thuyên chuyển lên Thiết Ðoàn 8 Kỵ Binh(Ban Mê Thuột) vài tháng trước đó. Hai tên chủ chốt bị Việt Cộng móc nối này là Thượng Sĩ Phùng Văn Mười Hạ Sĩ Quan Quân Xa của Chi Ðoàn 1/1 CX và Trung Sĩ Nguyễn Văn Tiểng Hạ Sỉ Quan Tiếp Liệu của Chi Ðoàn 3/1 TQV. Cả 2 tên này đều đã dưới quyền tôi khi tôi chỉ huy 2 chi đoàn trên (Chi Ðoàn 1/1 CX năm 63-64, Chi Ðoàn 3/1 TQV năm 1965 (Tháng 7 đến tháng 12 1965) và tôi đã không dùng chúng vì lý do chúng lem nhem tiền bạc. Nhưng sau khi tôi bị thuyên chuyển, chúng “mua chuộc” các người thế tôi trở lại đơn vị cũ để làm nội tuyến.
Sau này, trong chiến dịch “Junction City” Trung Ðoàn 11 Thiết Giáp Hoa Kỳ (U.S Army 11th Cavalry Regiment) tìm thấy chiến xa này tại khu rừng rậm Tây Bắc Tây Ninh.
Một chuyện khác khó tin nhưng có thật là trong trận Snoul thuộc lãnh thổ Miên tại một đồn điền cao su phía Bắc Quận Lộc Ninh Tỉnh Bình Long (Cuối Tháng 6 năm 1971) Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh tăng phái cho Trung Ðoàn 8/SÐ 5BB rút lui khỏi đồn điền Snoul bị Việt Cộng rượt chạy có cờ đến nỗi bỏ lại một Thiết Vận Xa trên QL 13 độ 20 Km Bắc Lộc Ninh trong đó có nhiều xác đồng đội kể cả xác Thiết Ðoàn Phó Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh và một Tiểu Ðoàn Phó Pháo Binh! Nếu bảo là đơn vị bộ binh bỏ xác đồng đội lại thì còn có lý, nhưng với một thiết đoàn kỵ binh mấy chục xe vừa chiến xa và thiết vận xa bao nhiêu là hỏa lực mà bỏ lại xác đồng đội thì khó thể chấp nhận được! Vì Chiến Ðoàn 8 Bộ Binh không chờ Lữ Ðoàn III Kỵ Binh lên giao tiếp đã di chuyển xuôi nam về hướng Lộc Ninh (xuyên qua khu vực chưa được giải tỏa trên QL13) nên mới bị tổn thất nặng nề như vậy (Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 8 Bộ Binh, trong thời gian này là Ðại Tá Bùi Trạch Dzần đã cho lệnh “Chạy”).
Do đó, dù Thiết Ðoàn 1 KB là một trong những đơn vị Thiết Giáp gần Thủ Ðô nhưng ít ai muốn về đơn vị này nhất là trong những tháng cuối cùng của năm 1974 khi các đơn vị chánh quy Cộng Sản Bắc Việt có chiến xa nằm cách Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh tại Lai Khê không xa hơn tầm đạn hỏa tiễn 122 hoặc 107 ly chứ không nói đến Ðại Bác tầm xa 130 ly của chúng.
Với tình hình như vậy tôi vào Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn trình diện Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bô Binh (Lúc này ông chưa thăng cấp chuẩn tướng) vào ngày 20 tháng 9 năm 1974.
Vừa gặp tôi câu nói đầu tiên của ông ta với một nụ cười, có Ðại Tá Ðào Ðức Chinh (cùng khóa 5 SQTB Thủ Ðức với tôi) Tham Mưu Trưởng Sư Ðoàn 5 Bộ Binh đứng bên cạnh:”Quả đất tròn, chúng mình lại gặp nhau, phải không anh Tánh.”
Câu đó vừa là một câu vui mừng chào đón mà cũng là một câu như hăm dọa vì năm 1965 (22/11) trong trận Dầu Tiếng lúc có đơn vị tôi thì thắng trận nhưng năm ngày sau Trung Ðoàn 7 Bộ Binh rời khỏi đơn vị tôi trên đường chuẩn bị hành quân lên núi Tha La (phía Bắc Dầu Tiếng) bị Trung Ðoàn Q 762 VC tấn công gây tổn thất rất nặng cho cả 3 Tiểu Ðoàn (Tiểu Ðoàn 1/7,Tiểu Ðoàn 3/7, và Tiểu Ðoàn 4/7). Trung Ðoàn Trưởng Trung Tá Nguyễn Văn Tư, Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ 1/7, Thiếu Tá Nguyễn Văn Chuyên, Cố Vấn Trưởng Trung Ðoàn, Sĩ Quan Liên Lạc Pháo Binh v.v… tử trận. Số chết và bị thương lên đến hàng trăm.
Khi gặp Ðại Tá Phạm Quốc Thuần sau khi Trung Ðoàn 7 Bộ Binh tan tác, Ðại Tá Thuần nói một câu:”Hôm trước mình thắng, hôm nay thua, huề.” Tôi phản ứng lại ngay: “Ðâu có, Ðại Tá, hôm trước thiết giáp thắng, còn bây giờ bộ binh thua chứ đâu có huề.” Vì câu nói thẳng tính này đã đưa tôi ra Vùng 2 Chiến Thuật gần 5 năm! (Lúc đó Trung Ðoàn 1 Thiết Giáp còn là đơn vị biệt lập thuộc dụng QÐ III không thuộc Sư Ðoàn). Sau này tôi nghĩ lại là mình quá bồng bột nông nổi để làm phật lòng cấp chỉ huy.
Khi bắt tay tôi xong, Ðại Tá Vỹ hỏi tôi cần gì. Tôi nói muốn đi phép. Ðại Tá Vỹ hỏi tôi cần mấy ngày thì tôi nói chỉ xin 4 ngày thôi. Tôi đã đi phép do Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp và Lữ Ðoàn ÌII Kỵ Binh cho cả gần 10 ngày khi tôi từ Pleiku về Saigon nên tôi chỉ xin có bao nhiêu đó thôi (Tôi quên nói là cùng đi với tôi lúc đó có Ðại Tá Trần Văn Thoàn, Tư Lệnh Phó Lữ Ðoàn III Kỵ Binh, chưa về làm tư lệnh phó sư đoàn)..
Sau nầy tôi mới biết là Ðại Tá Vỹ quá ưu ái với tôi chứ với các sỉ quan tiền nhiệm chỉ huy Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh không dám xin phép chỉ thỉnh thoảng “dù” thôi. Còn tôi mỗi tháng nếu không có hành quân tôi đều đi phép 48 tiếng. Do sự cởi mở lúc đầu nầy mà tôi quý mến Ðại Tá Vỹ và đồng thời tôi cũng trọng tánh tình thẳng thắn bộc trực của ông.
Thượng tuần tháng 10 năm 1974, Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh do tôi chỉ huy và Trung Ðoàn 9 Bộ Binh do Trung Tá Trần Phương Quế (Khóa 9 VBQG Dalat dường như cùng khóa Ðại Tá Vỹ) chỉ huy đã đẩy lui Việt Cộng khỏi các căn cứ chúng chiếm được từ mùa hè 74. Trung Tá Trần Phương Quế được thăng cấp Ðại Tá, và Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ được thăng cấp chuẩn tướng. Chiến Thắng Rạch Bắp được trình chiếu trên băng tần số 9 cũng như các chương trình phông vấn các vị chỉ huy hành quân (Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã đến thị sát chiến trường, gắn lon cho quân nhân thuộc đơn vị sau khi Sư Ðoàn 5 Bộ Binh chiến thắng), tôi thì chỉ được tưởng thưởng Anh Dũng Bội Tinh cấp Quân Ðội + Nhành Dương Liễu vì không đủ thời hạn chức vụ (dưới 6 tháng (!)).
Cuối tháng 12 năm 1974, tỉnh Phước Long thất thủ vào tay quân Cộng Sản Bắc Việt. Ðơn vị của tôi đang hành quân vùng phía Nam Quận Phú Giáo chuẩn bị để tái chiếm Phước Long và tôi sắp sửa để “sinh tử” với địch theo lời của chuẩn tướng tư lệnh sư đoàn, nhưng lệnh tái chiếm không thành vì không còn quân để bảo vệ ven đỏ nếu Sư Ðoàn 5 BB rời bỏ căn cứ hiện tại để hành quân xa.
Thượng tuần tháng 3 năm 75 Ban Mê Thuột thất thủ kéo theo sau cuộc rút lui hỗn loạn trên Tỉnh Lộ 7 Pleiku Phú Bổn của các đơn vị thuộc Vùng 2 Chiến Thuật, cuộc “tháo chạy tán loạn” ở Vùng 1 Chiến Thuật từ Quảng Trị chạy dài đến Nha Trang.
Khoảng gần hạ tuần tháng 3 năm 75, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ mở đường từ Lai Khê lên Chơn Thành dọc theo phía Ðông Quốc Lộ 13, một con lộ huyết mạch đã bị bỏ cho VC kiểm soát từ mùa hè đỏ lữa năm 72 trong khi tại tỉnh lỵ Bình Long còn Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân Vùng 3 và Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân; ở tại Chơn Thành thì còn Chi Ðoàn 1/15 CX, và các đơn vị thuộc dụng của Tiểu Khu Bình Long và Chi Khu Chơn Thành. Nhiệm vụ của đơn vị tôi: Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh và Tiểu Ðoàn 3/9 Bộ Binh tăng phái do Thiếu Tá Ðổng Huy Hùng chỉ huy là để mở đường và bảo vệ cho các cánh quân rút lui từ Chơn Thành về Lai Khê.
Vì hành quân cấp tốc và bất ngờ nên sau hai ngày phá vở các chốt dọc trục lộ 13 đơn vị của tôi đã bắt tay được các đơn vị ở Chơn Thành với tổn thất tương đối nhẹ. Nhưng vì các đơn vị ở Bình Long chưa di chuyển xuống kịp tại Chơn Thành nên Thiết Ðoàn của tôi phải trở về lại hậu cứ.
Cuối Tháng 3 năm 1975, Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II cũng như Vùng 2 Chiến Thuật kể như tan rã và tỉnh Phan Rang đặt thuộc khu vực trách nhiệm của Quân Ðoàn III/V3CT. Một Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Ðoàn III do Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi cựu Tư Lệnh Vùng IV chỉ huy được thành lập và bố trí tại đây, cần có lực lượng cơ hữu của Quân Ðoàn III để phối hợp với đám tàn quân của Vùng 1 và Vùng 2 còn sót lại! Do đó tôi lại phải mở đường lên Chơn Thành đón các đơn vị BDQ QK 3 về Lai Khê chuẩn bị cho ra Phan Rang. Do đó, tôi được lệnh trở lại vùng hành quân cũ với đơn vị tăng phái thường lệ là Tiểu Ðoàn 3/9 BB.Tôi còn nhớ lúc tan buổi họp hành quân vào lúc 22 giờ đêm ngày 27 tháng 3 năm 1975, Chuẩn Tướng Vỹ bắt tay tôi và nói:”Quân Ðoàn bây giờ trông vào anh đấy, anh Tánh. Anh cố gắng đem các đơn vị BÐQ về đây an toàn để họ ra Bộ Tư Lệnh Tiền Phương.”
Nhiệm vụ lần nầy thật khó khăn vỏ cùng! Tuần lễ trước, địch chưa rõ ý đồ của ta nên chúng bị bất ngờ. Nhưng bây giờ, dù có “ngu” cách mấy chúng cũng biết là tôi sẽ lên lại vùng hành quân nầy vì tin tình báo của chúng cho chúng hay là các đơn vị phía Bắc của ta sẽ rút về hướng Nam và đơn vị hướng Nam sẽ đến giao tiếp, do đó chúng bố trí các ổ phục kích dày đặc dọc trục lộ và tôi phải dằng co với chúng trong ba ngày ba đêm mới hoàn thành được nhiệm vụ, sau khi tổn thất hai xe Thiết Quân Vận, một sĩ quan hy sinh, một sĩ quan khác bị thương cùng một số kỵ binh khác tữ trận hay bị thương, nhưng đã gây tổn thất khá nặng cho địch quân nhất là bắt được 7 tên tù binh CSBV mặt còn non choẹt vừa được bổ sung từ ngoài Bắc vào.
Khi tiếp đón được Bộ Chỉ Huy BÐQ Vùng 3 CT gồm có Ðại Tá Nguyễn Thành Chuẩn Chỉ Huy Trưởng BÐQ Vùng và Ðại Tá Nguyễn Văn Biết Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 3 BÐQ (sau 22 giờ đêm) tôi gọi âm thoại báo cáo cho Tướng Vỹ biết thì ông nầy rất mừng và nói âm thoại bằng bạch văn là đại diện cho quân đoàn cám ơn tôi. Một điều ông ít khi làm là nói bạch văn trong máy liên lạc âm thoại và mấy hôm trước đây ông đã gửi trả Thiết Ðoàn 22 Chiến Xa về lại Lữ Ðoàn III KB và phạt Thiết Ðoàn Trưởng 15 ngày trọng cấm Trung Tá Nguyễn Văn Liên Thiết Ðoàn Trưởng khi vị nầy sơ ý xin Sư Ðoàn cho phép ngày hỏm sau mở đường ra Quốc Lộ 14 để tiếp tế xăng nhưng không “ngụy” (code) cẩn thận.
Cuộc hành quân thành công, đơn vị tôi trở về lại hậu cứ.

Các tuần lễ sau tôi có tham dự các cuộc hành quân vùng căn cứ “Ba Lê” thuộc xã Tân Hưng nhưng không có chạm súng và đến ngày 17 tháng Tư năm 1975 thì làm trừ bị tại Lai Khê.
Bây giờ Lai Khê là vùng tiền đồn vì Chơn Thành không còn lực lượng bạn. Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn Tư Lệnh Quân Ðoàn III lên Lai Khê nói với tướng Vỹ là nên di chuyển Bộ Tư Lệnh về Phú Lợi chỉ để một trung đoàn nào đóng tại đây thôi. Ðiều nầy rất đúng chiến thuật vì không khi nào một bộ tư lệnh sư đoàn lại làm tiền đồn bao giờ. Nhưng tướng Vỹ không đồng ý. Ông thường nói với các sĩ quan thân cận là:”Nếu tôi cho di chuyển Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn về Phú Lợi, lính tráng sẽ nói mình ‘di tản chiến thuật’ sao? Tôi ở mãi nơi đây và chết cũng tại đây!”
Một điểm son cho chuẩn tướng Vỹ là ông không hề ỷ lại vào Hoa Kỳ bao giờ và rất có tinh thần “tự lực cánh sinh” hay có nhiều sáng kiến.
Trong một buổi họp bàn về phòng thủ, có một vị trung đoàn trưởng báo cáo là thiếu kẽm gai, cọc sắt vì tiếp liệu loại 2 và 4 khan hiếm do Mỹ hạn chế viện trợ, Tướng Vỹ liền tức giận hét lên:”Cái gì cũng Mỹ. Mỹ nó bỏ anh rồi biết không? Vùng nầy thiếu gì tre gai, cho lính trồng dọc theo vị trí phòng thủ một thời gian sau sẽ thành một vòng đai tre gai dày đặc, đặc công nào vào được?” Sáng kiến nầy của ông rất hay nhưng đáng tiếc là quá trễ.
Vì tôi kính mến tướng Vỹ khi tôi xin phép về lo đám tang bà mẹ vợ tôi từ ngày 20 đến ngày 24 tháng 4 năm 75 ông sẵn sàng cho ngay không phân bua gì cả nhưng chỉ đùa với tôi một câu là “đừng bỏ tôi nghe anh Tánh.” Tôi đã hứa sẽ lên lại Lai Khê và đã giữ lời trong khi những người có quyền thế tại Thủ Ðỏ miền Nam đang rục rịch “di tản chiến thuật” khỏi nước bằng đường thủy và đường không.
Ngày 28 tháng 4 năm 1975. Bộ Tư Lệnh nhẹ Sư Ðoàn 5 Bộ Binh do Ðại Tá Trần Văn Thoàn Tư Lệnh Phó chỉ huy cùng với Trung Ðoàn 8 Bộ Binh do Trung Tá Nguyễn Bá Mạnh Hùng (Khóa 10 VBQG Ðàlạt hiện định cư tại CA) cùng Chi Ðoàn 3/1 Thiết Kỵ do Ðại Úy Nguyễn Văn Thiệp (hiện định cư tại CA) chỉ huy di chuyển về Phú Lợi. Cũng sáng nay, Chuẩn Tướng Vỹ cho chúng tôi biết là “Các anh em ai có thể cho vợ con đi nước ngoài được thì cho đi, còn các anh ở lại với tôi. Tôi cũng vậy cùng ở bên các anh.”
Sau nầy, đến ngày 21 tháng 5 1975 khi Việt Cộng đưa anh Thoàn từ Bình Dương lên Trại Tù GK3 của VC tại Long Khánh thì tôi được biết là trước ngày 30 tháng 4 năm 75 chị Thoàn (dân Pháp có passport thường trực) đã đưa gia đình anh Thoàn và gia đình chuẩn tướng Vỹ đi Pháp. Hiện giờ bà Vỹ đang định cư tại vùng Virginia.
Chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975. Sau cuộc họp tham mưu thường lệ xong vào lúc 17 giờ, các đơn vị được lệnh chuẩn bị bỏ Lai Khê về Bình Dương. Các quân dụng hư hỏng, cũng như các giấy tờ không cần thiết bỏ lại phải được tiêu hủy tại chỗ. Do đó trong căn cứ Lai Khê từng đám lữa đỏ rực các góc trời. Xa xa vùng Phú Giáo cũng thế vì Quận Phú Giáo đã di tản.
Màn đêm buông xuống trong nổi kinh hoàng. Nơi phía Quốc Lộ 14 các đoàn xe đủ loại kể cả chiến xa của VC di chuyển chạy để đèn sáng cả con đường dài. Tôi trở qua Bộ Tư lệnh Sư Ðoàn lúc 19 giờ để nhận lệnh thì được tướng Vỹ cho biết là do tin báo cáo có cái chốt của VC trong khu vực Xã Mỹ Thạnh phía Nam Bến Cát. Tôi nói Sư Ðoàn cho Ðại Ðội 5 Trinh Sát tăng phái cho tôi (tôi không biết là Ðại Ðội 5 Trinh Sát đã ở Bình Dương với Bộ Tư Lệnh Nhẹ Sư Ðoàn) tôi dùng Chi Ðoàn 1/1 CX bức chốt đó cho, nhưng tướng Vỹ nói ban đêm khó phối hợp thôi để sáng hỏm sau.
Tôi về hậu cứ của tôi và gọi điện thoại về Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp Trại Phù Ðổng về nhà tôi. Trong điện thoại tôi nghe có tiếng súng các loại nổ xa xa và tiếng động cơ trực thăng nổ rất gần. Vợ tôi đã di tản lên nhà ông anh tôi ở Nancy từ chiều chỉ có chú lính giúp việc nhà trả lời cho tôi biết là Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III đã di chuyển về đóng quân tại đây. Vì trong thời gian đó, Tướng Toàn kiêm nhiệm chức vụ chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp nên có toàn quyền xử dụng cơ sở nầy.
Tôi liền cho tướng Vỹ biết tin nầy.(Vừa rồi khi hỏi thêm tin tức về các giây phút cuối của tướng Vỹ khi tôi không có ở bên ông, tôi được Trung Tá Tống Mạnh Hùng (Khóa 5 Thủ Ðức, Pháo Binh Chỉ Huy Ttrưởng Pháo Binh Sư Ðoàn 5 BB) cho biết là trước đó tướng Vỹ đã gọi điện thoại về Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn không có ai trả lời, ông liền chửi thề:”Ð.M tụi nó chạy trốn cả rồi.”)
Ðêm 29 tháng 4 năm 1975 là một đêm khủng khiếp nhất của đời tôi, một đêm mà tôi nhớ mãi. Các tiền đồn tiếp tục báo cáo quân xa địch các loại di chuyển nhưng chúng đi vòng không tấn công Lai Khê. Tôi đang chuẩn bị đón cái chết gần kề vì tất cả không còn gì để cứu vớt cả. Các vị từng hô hào sống chết với quân đội đã yên thân nơi nước ngoài rồi, còn tôi với trọng trách nhỏ nhoi là chỉ huy một thiết đoàn kỵ binh tôi phải làm gì đây?! Ngày tàn binh nghiệp của mình và niềm hãnh diện được chết trên xe Thiết giáp cùng binh sỉ trong đơn vị cũng như các hiệp sỉ ngày xưa chết trên lưng ngựa!?
Ðêm 29 tháng 4 là một đêm dài nhất đối với tôi vì không chợp mắt được, chỉ nằm dài trên ghế bố xếp nhìn trời xanh, sao sáng! (Giuờng ngủ đã được xếp lên xe GMC chờ di tản). Nhưng rồi đêm dài cũng qua đi nhưng các đốm lữa ở trong cũng như ngoài căn cứ vẫn sáng rực ánh hồng!
Bảy giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi họp tại Phòng Hành Quân Sư Ðoàn. Không còn một nụ cười trên các đôi môi thường lệ hay khỏi hài. Tất cả đều lộ vẻ mất ngủ. Tình hình Ðịch” dày đặc điểm “Ðỏ” trên Bản Ðồ Hành Quân. Tình hình bạn chỉ có nội bộ Sư Ðoàn, còn các đơn vị bạn thuộc Vùng 3 CT thì không tài nào biết được. Riêng Sư Ðoàn 25 Bộ Binh tại Củ Chi thì bị tấn công sáng ngày 29 vì có một thành phần Thiết Giáp chạy về Bình Dương tối ngày 29.
Từ sáng ngày 29 các khẩu Ðại Bác 175 nòng dài tại căn cứ Lai Khê đã tác xạ về hướng Củ Chi để yểm trợ tổng quát tăng cường cho Sư Ðoàn 25 BB nhưng không hiệu quả mấy.(Sau nầy tôi được biết Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá Tư Lệnh Sư Ðoàn 25 Bộ Binh đã bị VC bắt làm tù binh đêm 29 tháng 4 năm 1975.) Nhưng Sư Ðoàn cũng vẫn họp và cũng chuẩn bị di chuyển xuôi nam về Bình Dương.
Vừa họp xong Ðại Úy Nguyên, Chánh Văn Phòng Tư Lệnh xuống báo cáo tướng Vỹ là 10 giờ sáng Tổng Thống Dương Văn Minh sẽ đọc diễn văn quan trọng. Nghe thế, tướng Vỹ cho lệnh tất cả sĩ quan chờ tại chỗ bên chiếc Radio Zenith và bên tách cà phê. Nhờ sự kiện nầy mà chúng tôi được nghe bản phát thanh đầu tiên của Big Minh trong khi có tiếng nhắc phía sau: “Ðọc đi.”
Sau nầy phối hợp các tài liệu do VC phổ biến tôi được biết là Dương Văn Minh khi gọi chúng vào Dinh để “bàn giao” đã bị chúng gạt dùng áp lực bắt đọc tuyên cáo đầu hàng theo ý chúng. Chớ theo bản “kêu gọi” đầu tiên, tướng Minh mời đại diện Mặt Trận Giải Phóng vào để bàn giao! Nhưng chúng bắt ông ta đọc lại theo nội dung khác. Tức là bản tin thứ hai hoàn toàn khác bản tin đầu.
Theo báo chí của chúng, chúng tự đề cao là do “sáng tạo lợi dụng thời cơ” khi chiếm Dinh Ðộc Lập là chúng nói với Dương Văn Minh:”Anh còn gì để mà bàn giao. Anh chỉ có một điều là đầu hàng vô điều kiện thôi!” ông Tướng Minh ơi! Ông lại hại chúng tôi rồi!

Khi nghe lệnh tiếp của tướng Nguyễn Hữu Hạnh Tham Mưu Trưởng là các đơn vị ở tại chỗ chờ bàn giao thì tướng Vỹ cho lệnh Trung Tá Nguyễn Tấn Văn Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị Sư Ðoàn (anh đồng hao của tướng Vỹ) cho người ra cổng căn cứ treo cờ trắng đầu hàng, đồng thời ông nói:”Từ nay tôi không còn chỉ huy các anh nữa, các anh tự lo liệu lấy.”
Lúc đó Tướng Vỹ cho lệnh tìm y sỉ Thiếu Tá Hiếu Tiểu Ðoàn Trưởng 5 Quân Y có lẽ định tìm thuốc tự tữ nhưng ông sau nầy đã lánh mặt. Tất cả anh em chung quanh tướng Vỹ đều tìm cách dấu tất cả các súng cá nhân vì sợ ông tự tữ. Các anh em khuyên ông thì ông nói : “Các anh chờ ở đây để cho tên Huyện ủy Bến Cát vào tiếp thu các anh à!” Lúc đó trong đầu óc tướng Vỹ chỉ có một ý định tự sát thôi.
Tôi quay về Thiết Ðoàn. Trong khi xe đang chạy về doanh trại của tôi thì hạ sỉ Nguyễn Văn Sơn tài xế xe Jeep của tôi (anh nầy sau năm 75 đã bị VC hạ sát trong một cuộc tranh chấp làm ăn gì với chúng) nói :”Trung Tá thay đồ xi vin đi hai thầy trò mình đi xe Vespa về Saigon.” Hạ Sỉ Sơn có để xe Vespa Ý tại Lai Khê đặng thỉnh thoảng anh ta đi phép về Saigon. Nhưng tôi không đồng ý.
Tội nghiệp anh này không bỏ tôi khi tôi di chuyển bằng M113, anh vẫn theo tôi và bỏ xe lại dù lúc đó tôi cho anh toàn quyền quyết định.
Vì như tôi đã nói ở trên là có một số sỉ quan, hạ sỉ quan, kỵ binh của Thiết Ðoàn bị bắt năm 1972 và lại trở về lại đơn vị gốc năm 1973 sau khi được trao trả (điều này trái với nguyên tắc an ninh nhưng tôi không hiểu do ai chấp thuận việc này?). Tôi sợ thế nào cũng có người bị địch mua chuộc, móc nối nên tôi về tập họp thiết đoàn lại gồm có Bộ Chỉ Huy Thiết Ðoàn với Chi Ðoàn 1/1 CX (Chi Ðoàn 2/1 Thiết Kỵ tăng phái Trung Ðoàn 9 Bộ Binh, Chi Ðoàn 3/1 TK tăng phái cho Trung Ðoàn 8 BB).
Khi tôi tuyên bố là : “Tôi cám ơn tất cả các anh em đã giúp tôi trong thời gian qua đã chu toàn các nhiệm vụ đã được giao phó và giúp tôi, giờ đây tôi không còn chỉ huy các anh em nữa. ” Tôi nói bằng cả sự xúc động thật sự trong khi khóe mắt của tôi hơi cay cay. Nhìn thẳng vào gương mặt các anh em đối diện tôi thấy mắt nhiều người cũng nhuốm đỏ. Cùng lúc đó có những tiếng “nhao nhao lên” : “Trung Tá đi đâu chúng em xin đi theo đó.” Ðây là những lời tâm huyết của các thuộc cấp mà tôi nhớ đến suốt cuộc đời còn lại.
Không có một huy chương nào cao quý hơn các lời nói mộc mạc chân tình nầy trong khi tôi chẳng còn là gì cả! Sau này khi nghĩ lại tôi thấy tôi thật quá liều lĩnh đùa giởn sinh mạng của các chiến hữu của mình trong khi tự mình không biết phải làm gì trong tương lai, trong khi không có chính phủ, không có cấp chỉ huy? Nhưng trong thâm tâm tôi lúc đó là rời khỏi đây đi về Vùng 4 Chiến Thuật chứ Lữ Ðoàn III Kỵ Binh và Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp thì không liên lạc bằng hệ thống liên lạc truyền tin được.
Tôi nói: “Các anh em đã tin tôi thì tôi cũng sẽ cùng sống chết với các anh em.”
Tôi cho lệnh Thiếu Tá Ðổ Cao Thượng(chú ruột tướng Ðổ Cao Trí mấy năm trước định cư tại Maryland và Virginia, nhưng hiện nay đang định cư tại Georgia, Chi Ðoàn Trưởng Chi Ðoàn 1/1 Chiến Xa về doanh trại của anh ta chờ lệnh.

Tôi quay xe lại Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn để đón Ðại Tá Nguyễn Mạnh Tường Phụ Tá Hành Quân Sư Ðoàn và Trung Tá Tống Mạnh Hùng Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Sư Ðoàn(hiện định cư tại San Francisco CA), cà hai cùng khóa 5 SQTB Thủ Ðức với tôi như đã hứa trước.
Ðến Bộ Tư Lệnh thì Hùng chạy ra gặp tôi nói:”Anh vào chào Chuẩn Tướng Tư Lệnh đi, người đã tự sát rồi!”
Tôi đứng chổ cửa “trailer” nhìn vào thì thấy tướng Vỹ đã ăn mặc chỉnh tề, có huy chương trên túi áo và xếp tay lên ngực. Các viên đạn 6.35ly của súng lục Beretta trổ tưừ dưới cằm lên trên đỉnh đầu. Tôi đã chào kính vị anh cả của Sư Ðoàn 5 Bộ Binh đồng thời cũng là một anh hùng của quân đội theo đúng lễ nghi quân cách rồi quay ra.
Sau nầy do anh Hùng kể lại là lúc tôi về rồì, tướng Vỹ cho gọi tất cả các anh em thuộc Bộ Tư Lệnh sang tư dinh cho lệnh dọn cơm ăn. Vừa ăn xong một chén cơm một cách hấp tấp, tướng Vỹ chạy vội vào “trailer” mà không ai hay chỉ vì đang lo ăn. Thình lình có 2 tiếng súng nổ. Các anh em chạy vào thì thấy tướng Vỹ gục đầu trên vũng máu bị đạn như đã nói trên. Dù tất cả các súng được cất dấu kỷ nhưng còn một khẩu súng lục Beretta 6.35ly để trong trailer không ai biết, trừ tướng Vỹ và Người đã dùng khẩu súng nầy để đi vào lịch sử. Chính Từ Vấn, anh Hùng và các anh em khác đã mặc quần áo tươm tất cho tướng Vỹ.
(Trong số báo Thời Mới Phụ Nữ Mới số 405 nhân tưởng niệm ngày 30/04/1975, nữ thi sĩ Ngô Minh Hằng có làm một bài thơ tứ tuyệt như sau:
TƯỚNG LÊ NGUYÊN VỸ
Bình Long anh dũng góp tài năng
Làm tướng như Ông, mấy kẻ bằng
Quốc sĩ đầu hang sao được giặc
Sân cờ Tư Lệnh, ánh sao băng!!!

Như tôi đã kể rõ cái chết của Tuớng Vỹ vì thế tôi đã đề nghị (trong e-mail) và giơ đây tôi xin nữ thi sĩ sửa đổi lại câu gì khác chứ đừng để câu chữ nghiêng. Câu đề nghị của tôi nếu được thì xin nữ thi sĩ tạm dùng chứ để Tướng Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh tự sát ngay sân cờ Tư Lệnh trong khi có mặt rất nhiều sĩ quan và quân nhân thuộc sư đoàn thì thấy không ổn. Câu thơ đề nghị thay thế là:
“Trailer” Trây lơ người gục, ánh sao băng!!!

Tường và Hùng theo tôi về Thiết Ðoàn. Khi xe bắt đầu lăn xích ra khỏi cổng trại của tôi thì thấy Ðại Tá Từ Vấn (Khóa 12 VBQG Ðà Lạt gốc BÐQ Tham Mưu Trưởng Sư Ðoàn), Trung Tá Nguyễn văn Khách (khóa 10 VBQG Ðàlạt gốc Lực Lượng Ðặc Biệt) Trưởng Phòng Ba Sư Ðoàn, Thiếu Tá Nguyễn văn Nghĩa Trưởng Phòng Nhất Sư Ðoàn, Thiếu Tá Nguyễn văn Hòe Trưởng Phòng Nhì Sư Ðoàn cũng vừa đến tháp tùng lên các thiết vận xa của chúng tôi. Tôi quên nói là đơn vị VC tại Bến Cát có vào hệ thống liên lạc Sư Ðoàn đòi gặp tôi ở đầu máy nhưng tôi đã báo hiệu thính viên trả lời là tôi không có ở đây.
Theo thứ tự di chuyển thì Chi Ðoàn 1/1 Chiến Xa dẩn đầu kế đến là Bộ Chỉ Huy Thiết Ðoàn của tôi. Khi ra khỏi căn cứ Lai Khê tôi thấy Chi Ðoàn 2/1 Thiết Kỵ do Ðại Úy Nguyễn Văn Thống chỉ huy (anh nầy chết trong tù mấy năm sau 1975 tôi không rõ). Ðại Úy Thống vào hệ thống liên lạc hỏi tôi xem đi đâu. Tôi hỏi anh ta có muốn đi theo tôi không thì anh ta đồng ý. Tôi bảo gắn vải trắng ở đuôi ăng-ten và cho lệnh anh ta xem tôi làm gì thì anh ta làm theo.
Ðơn vị tôi ra khỏi căn cứ Lai Khê quay về hướng Ðông căn cứ băng đồng, chạy song song theo hướng Ðông Quốc Lộ 14. Tại vùng nầy, mới tuần trước thiết đoàn tôi hành quân tại đây tìm đỏ con mắt không thấy một tên VC nào nhưng chiều nay sao đông thế! Từ hướng Ðông trong khu rừng, từ hướng Tây bên Quốc Lộ chúng tủa ra nhắm vào đoàn xe Thiết Giáp di chuyển tác xạ tới tấp. Cũng may là đơn vị chúng tôi cách xa tầm bắn B40 và B41 nên không có xe nào trong đoàn xe của tôi bị trúng đạn. Một điều tôi hãnh diện về đơn vị của tôi và cũng nhờ ơn trên là không có một binh sỉ nào của Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh tác xạ lại. Họ rất giữ đúng kỷ luật là không tác xạ bừa bãi và không có “một sự cướp cò” nào. Nếu không, có lẽ tôi khỏi đi tù và không còn để viết những dòng chữ nầy.
Ðoàn xe di chuyển được hơn 10 km thì Ðại Úy Thống Chi Ðoàn Trưởng Chi Ðoàn 2/1Thiết Kỵ hỏi lệnh tôi thế nào khi VC chận đầu xe. Tôi nói trong máy cho anh ta biết thôi trình diện họ đi còn tôi lên trên nầy gặp “Thằng Ba” tức Chi Ðòan 3/1 Thiết Kỵ (đang tăng phái cho Trung Ðoàn 8 BB tại Bình Dương) cũng trình diện luỏn(?).
Khi Chi Ðoàn 1/1 CX dẫn đầu đi qua cầu xã Tân Phước Khánh vừa sang được chiếc thứ 5 thì cầu sập. Lý do là cầu cây quá yếu và chiến xa lại di chuyển nhanh qua cầu và quá gần nhau, nên sức trọng tãi của cầu không chịu nổi sức nặng của chiến xa (thường lệ, gặp trường hợp này trưởng xa phải xuống xe hướng dẩn cho xe chạy chậm qua cầu từng chiếc một). Toán đã qua cầu tiếp tục di chuyển ra đường Quốc Lộ 13. Toán còn lại quay trở lại nhập chung với Thiết Ðoàn.
Ðến cuối tháng 6 năm 1975 khi gặp tôi trong Trại 1 Cải Tạo Cát Lái (Trung Tâm Huấn Luyện Quân Khuyển của QLVNCH cũ) thì anh Thượng nói anh đi ra Quốc Lộ 13 thì gặp đoàn chiến xa T54 đang tìm hướng về Dinh Ðộc Lập và chúng đã nhờ anh chỉ đường (Thành Phần tiền phương của chúng là Lữ Ðoàn 103 Thiết Giáp đã đi với Ðại Tá Bùi Tín tiếp thu Dinh Ðộc Lập và nhận lệnh đầu hàng).
(Khi gặp lại tôi tại Virginia sau năm 1995, thì Thiếu Tá Thượng cho biết là nhờ sự khéo léo anh đã gạt được chúng và thoát khỏi bị bắt trong ngày 30 Tháng 4 1975. Anh đã nhờ tôi đính chính lại.)
Ðoàn xe của tôi quay vòng lại vào giữa xã Tân Phước Khánh. Việt Cộng đã tiếp thu xong xã này. Cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam treo đầy trước các căn nhà và dọc theo đường. Dân chúng ùa ra đường cản đoàn xe tôi lại. Lúc đó vào khoảng 17 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tôi xuống xe thì tên chủ tịch xã tiến đến ôm chầm lấy tôi nói câu đầu tiên: “Chúng ta không ai thắng, ai bại, chỉ có Ðế Quốc Mỹ là thua thôi! Các anh về với Cách Mạng(sic!) là có công rồi sẽ được biểu dương(lần đầu tiên tôi nghe được danh từ “biểu dương”). Cũng lần đầu tiên, tôi biết thế nào là sự xảo trá của VC. Dù chúng biết rằng chúng tôi chạy trốn, không lọt nên mới tạt vào đây, nhưng chúng đã mở cho chúng tôi một lối thoát danh dự(?) bằng cách nói câu trên để tôi an tâm và đỡ mất mặt!
Cùng lúc đó một binh sỉ đến báo cáo là Thiếu úy Nguyễn Văn Tiền Chi Ðội Trưởng Chi Ðội Súng Phun Lữa, ở sau tôi hai xe, đã tữ trận. Vừa nghe câu này tên chủ tịch xã liền nói:”Anh cho tên anh ấy để ghi công vì anh ấy về với Cách Mạng mà bị hi sinh là thành liệt sĩ (thêm một từ mới) rồi! Trời! Chúng giết mà lại thành liệt sĩ của chúng?! Nhưng tôi cũng phục phương tiện liên lạc của chúng–không hiểu chúng liên lạc thế nào–mà thân phụ của Thiếu úy Tiền từ Bến Tre ngày hôm sau đã lên đến xã Tân Phước Khánh Bình Dương để đem xác con về.
Sau khi gom góp hết các súng cá nhân và các đồ dùng của chúng tôi như radio cassette, thùng đựng nước đá,v.v của tôi mà chúng bảo là của “ngụy”, chúng cho chúng tôi tự do đến nhà dân chúng gần đấy để tắm rửa với sự kiểm sóat của chúng. Vì tôi là chỉ huy nên chúng chỉ để ý đến tôi thôi. Anh Tống Mạnh Hùng Pháo Binh vì theo sát tôi nên không thoát được; Ðại Tá Tường, Thiếu Tá Hòe, Thiếu Tá Nghĩa trốn thoát; Ðại Tá Từ Vấn và Trung Tá Khách cũng trốn nhưng bị bắt lại bởi du kích tại địa phương, (những tên này lúc sáng còn là nhân dân tự vệ của Việt Nam Cộng Hòa nhưng đến chiều là du kích của Việt Cộng!)
Trừ chúng tôi, các sĩ quan cấp tá ra, chúng tập trung tất cả quân nhân thuộc quyền tôi ngồi bẹp trước sân cờ của Văn Phòng Xã Tân Phước Khánh. Khi tôi đi ngang qua nhóm quân nhân này, có một hạ sĩ quan nói một câu tôi vẫn nhớ đến bây giờ, trong lúc đó trong tôi nổi lên niềm xúc động lẫn chua cay. Anh đó nói :”Trung Tá, sao họ lấy súng của mình hết vậy?” Tôi đã trả lời anh ta mà nước mắt cứ muốn trào ra:”Mình đâu còn cần các thứ đó nữa đâu anh, hết chiến tranh rồi!”
Tên chủ tịch xã cho chúng tôi ăn cháo gà và uống bia (bia chúng lấy trên Thiêt Vận Xa chở hàng Quân Tiếp Vụ của Thiết Ðoàn) và nói một câu khách sáo:”Chúng tôi vừa tiếp thu nơi đây, cơ sở vật chất chưa có gì, các anh ăn tạm.” Ðó là bửa ăn cháo gà cuối cùng của cuộc đời tự do đánh dấu bước đầu đi tù Cộng Sản.Tôi chỉ có thể ăn lại cháo gà như thế này 10 năm sau!
Vừa ăn xong, có một tên VC người Nghệ Tĩnh mặc thường phục, tóc rụng gần hết trên dưới 50 tuổi gương mặt đầy sát khí đến chất vấn tôi với giọng hằn học chứ không có những lời nói dịu dàng như của tên chủ tịch xã người miền Nam kia. Lúc đó, tôi cảm thấy hối hận là mấy giờ trước còn quân trong tay tại sao tôi không “một mất một còn” với chúng thà rằng chết với vũ khí trong tay còn hơn bây giờ đang dợi quyền sinh sát của chúng! Do các câu nói của tên này thì chúng tôi là những tên “tội phạm chiến tranh, trời không dung, đất không tha, lá rừng xanh không ghi hết tội, còn nước đại dương chẳng rửa sạch thù, là công cụ đế quốc Mỹ v.v (các câu đầu trong bài 3 ‘Quân Ngụy là Công Cụ của Ðế Quốc Mỹ kẻ thù của nhân dân Việt Nam v.v..’” trong 10 bài căn bản của chúng mà chúng tôi sẽ được chúng ‘lên lớp’ vài tháng sau đó).
Ðang lúc chúng đang điều tra tôi, thì có một chiếc xe Jeep A2 ngừng trước cửa, môt tên Cộng Sản Bắc Việt xuống xe(Sau này tôi mới biết tên này là Ðại úy thuộc cơ quan chính ủy của Công Trường 7 VC). Tên này hỏi ai chỉ huy Thiết Giáp ở đây. Tôi xác nhận là chính tôi thì chúng cho lệnh tất cả các sỉ quan cấp tá đi theo chúng.
Vì xe Jeep của hắn không đủ chỗ nên hắn chạy trước và cho tôi đem theo 2 M113. Trên mỗi xe M113 của chúng tôi chúng cho một tên VC ngồi trên thiết vận xa với chúng tôi trong khi các thùng đạn Ðại Liên 50 và 30 còn đầy đạn và súng vẫn ở trên giá súng. (Ðây là một hành động tương đối tốt của Công Trường 7 VC khi chúng cho người đến đón chúng tôi. Chúng sợ quân du kích hay địa phương của chúng vì muốn “trả nợ máu” đối với chúng tôi nên “làm bậy”‚ làm hại đến đường lối tuyên truyền chiêu dụ của chúng chăng?
Chúng đưa chúng tôi về Trường Công Binh QLVNCH tại Bình Dương(Bản Doanh của Công Trường 7 lúc đó) và cho chúng tôi ngủ tại phòng của các sĩ quan khóa sinh của các lớp học Công Binh đã trống vắng.
Ngày hôm sau, 1 tháng 5 năm 1975, Ðại Tá Từ Vấn Tham Mưu Trưởng Sư Ðoàn 5 BB đại diện đơn vị được chúng chấp nhận là “hàng binh”(?) dẩn chúng lên lại Căn Cứ Lai Khê để tiếp thu nơi đây vì các đơn vị của chúng chưa dám vào đó.
Cũng chiều hôm đó, các phóng viên của báo “Quân Ðội Nhân Dân” của chúng đến phỏng vấn, chụp hình chúng tôi gồm có Ðại Tá Từ Vấn Tham Mưu Trưởng Sư Ðoàn 5 BB, tôi, Trung Tá Tống Mạnh Hùng Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Sư Ðoàn, Trung Tá Nguyễn văn Khách Trưởng Phòng 3 Sư Ðoàn, Thiếu Tá Nguyễn Văn Răng Thiết Ðoàn Phó, Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh và Ðại úy Nguyễn Văn Vũ Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 5 Trinh Sát người đã lái chiếc xe Jeep A2.
Hinh ảnh chúng tôi được chúng cho trình chiếu trên TV là các tên tàn quân của Sư Ðoàn 5 BB bị chúng bắt ngày 30 tháng 4 năm 1975. Vào cuối tháng 6 năm 1975 khi chúng tôi tập trung về Trại Cát Lái thì chúng cho chúng tôi đọc được tờ báo Quân Ðội Nhân Dân có câu chuyện của chúng tôi và bức ảnh ghi trên.
Trong gần hết trang 3 của tờ Quân Ðội Nhân Dân của chúng, chúng đăng một bài báo với tựa đề :”Vây Diệt Sư Ðoàn 5 Ngụy.” hoàn toàn là hư cấu.

Trong đó chúng bịa ra giống như là tiểu thuyết trong đó có nêu đích danh tên tôi ra (nhưng để tên là Nguyễn Minh Tránh) là đã đề nghị Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh thế này, thế nọ v.v… Có một điều quá nham nhở khi nó kể cái chết của Tướng Nguyễn Văn Vỹ bằng những câu hạ cấp hòng hạ uy tính của ông nầy. Chúng viết đại khái như sau và vì lâu quá tôi không nhớ rõ.
Chúng bảo khi tự sát thì trên bàn của chuẩn tướng Vỹ, chuẩn tướng đã viết “Ðô la, đô la, đô la nhiều quá.” Vì sự kiện này cho chúng tôi thêm một bằng chứng là “Cộng Sản VN không có nói điều gì đúng cả.” Trong thời gian “đi tù” nhất là trong các tháng đầu tôi bị “mệt” do các cuộc thẩm vấn tới tấp là tại sao tôi không ở Lai Khê (hậu cứ của tôi) mà lại chuyển quân đi. Thêm vào đó, có nhiều bạn đã đổ lỗi cho tôi là dẩn họ đi nên tôi càng bị bọn cán bộ trại trù ẻo tôi dữ! Tôi không buồn giận gì các bạn nầy và rất thương các anh em ấy là trong giờ phút “thập tử nhất sinh” đó dám phó cả sinh mạng theo sự “bốc đồng”(?) của tôi! Tôi đã phải tìm hết cách trả lời thật khôn khéo để làm nhẹ bớt các áp lực của chúng đối với tôi.
Kết thúc bài hồi ký tôi xin kính cẩn nghiêng mình bái phục vị Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh đáng kính mến của chúng tôi và thắp lên nén nhang tưởng niệm cũng như choàng một vòng hoa chiến thắng tưởng tượng lên vong hồn người. Chúng tôi cũng đã cám ơn người cũng như 4 vị tướng khác, rất nhiều quân nhân và nhân viên hành chánh, thành viên các đảng phái đã tự sát khi VC cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam về những điều sau đây:
1. Cho bọn Cộng Sản Bắc Việt cũng như các bạn bè năm châu biết chúng ta, dân miền Nam không phải đều là những tên hèn nhát!
2. Chứng tỏ cho thế giới biết quyết tâm của chúng ta là thà chết chứ không thèm sống với cộng sản.
Riêng cái chết của cố Thiếu Tướng Lê Nguyên Vỹ đã khuyên một dấu son cho Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, một đơn vị bộ binh chịu nhiều tổn thất chiến trận nhất trong chiến tranh VN được kể là một trong những sư đoàn “yếu” của QLVNCH, một đơn vị mà trước kia các cố vấn Hoa Kỳ “rất sợ” khi bị đưa về đây nên đã gọi Sư Ðoàn này là Sư Ðoàn Máu” (Blood Division).
Còn tôi, tôi không ngờ là lại trở về Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh trong những ngày tàn binh nghiệp khi trước kia, nhờ 2 Chi Ðoàn 1/1 CX và 3/1 TQV đã giúp tôi được thượng cấp biết tiếng với các chiến công đã thu hoạch được. Một điều tôi mản nguyện là trong tuần lễ cuối cùng của tháng 4 năm 75 nhiều đơn vị QLVNCH đã rã ngũ nhưng Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh chỉ có 5 % binh sĩ đào ngũ.
Tôi cũng xin nhân dịp này, chân thành cám ơn tất cả quân nhân các cấp thuộc Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh những người đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ khó khăn và đã không bỏ tôi khi nhà tan, nước đã mất. Tôi cũng đã hãnh diện vì các bạn, nhất là Thiếu Tá Nguyễn Văn Răng (Khóa 19 SQTBTÐ (?)), Thiết Ðoàn Phó của tôi, một con người bất khuất, một trong những quân nhân hăng hái nhất trong ngày 30 Tháng Tư 1975 để theo tôi. Anh là một trong những người tù cải tạo can trường đã dám trốn trại và đánh bọn quản giáo khi chúng bắt anh chở trên xe Jeep về trại.
Tôi cũng nghiêng mình xin lỗi và chia buồn với gia đình cố Thiếu úy Nguyễn Văn Tiền Chi Ðội Trưởng Chi Ðội Súng Phun Lữa đã hy sinh ngày tàn cuộc chiến mà tôi không thể phúng viếng gia đình được (Khi tôi về chỉ huy Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh, tôi đã hứa trong đầu là khi có một sĩ quan thuộc thiết đoàn hy sinh tại chiến trường, tôi sẽ đến phúng điếu (với một phần lương của tôi + quỷ của thiết đoàn nhưng đã không làm được)).
Tôi xin phân ưu với gia đình cố Trung Úy Liêu A Thành Chi Ðội Trưởng Chi Ðội Thám Xa V100, Trung úy Nguyễn Văn Lệnh Sĩ Quan Quân Xa, Trung Sĩ Nhất Nguyễn Văn Quan v.v… những người đã đến thăm tôi khi nghe tôi được về khoảng đầu Tháng 10 năm 1984 và rũ tôi tham gia phục quốc, nhưng tôi đã biết là tổ chức này dỏm không tham gia và khuyên họ chớ bị mắc lừa nhưng họ đã không nghe và đã bị gài bẫy bắt vào đêm giao thừa Tết Ất Sữu 1985 và sau đó đã bị chúng tra tấn đến chết trong tù. Dù đã bị tra tấn nhưng họ không khai bậy tên tôi. Cám ơn các bạn!
Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của 1 quân nhân và cấp chỉ huy thời chiến của tôi một cách tốt đẹp đến cuối ngày 30 Tháng 4 năm 1975 và đã đi tù trong các trại tù cải tạo từ nam ra bắc rồi trở về nam đến 10 năm sau ./.
Nguyễn Minh Tánh

No comments:

Post a Comment